Hiển thị các bài đăng có nhãn tin thu phap. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tin thu phap. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Tùy Phong Nguyễn Thanh Hải - Nghìn trùng ... con chữ Việt

inChẳng biết duyên cớ nào mà em lấy hiệu là Tùy Phong, không biết có phải là mê cái nhân vật Tùy Phong trong phim Thập Diện mai Phục của Tàu không nữa. Nhưng cái tên ấy hay, rất ấn tượng với tôi. Ở đời, sống được vơi cái chữ "Tùy" tưởng dễ mà thật khó vô cùng. Có kẻ cố tình "tùy" mà tùy chẳng được. Lại có người sinh ra là đã như ngấm thiền từ trong bụng mẹ, ai nói gì làm gì cũng đều "tùy" tất. Chữ ấy đặt trước chữ "phong’, làm nên cái vẻ gì đó vừa kiêu hùng lại vừa kiêu bạc, nhưng cũng thật chẳng thiếu cái chất thơ và chất tình trong ngút trùng phiêu lãng.


Tùy Phong Nguyễn Thanh Hải


Nhưng tôi thì nghi lắm! Nghĩ về Hải, tôi cứ nghi nghi là em khó mà theo được cái nghĩa của hai chữ Tùy-Phong. Nhưng có một điều em làm tôi tin, tin vô cùng, đó là tình yêu của em dành cho con chữ Việt, nhất là những con chữ Việt được viết bằng bút lông chấm mực tàu. Không nhớ hết có bao lần tôi và em ngồi nói chuyện với nhau về cái thứ tình yêu ấy. Và tôi hiểu, đằng sau cái mạo dáng to cao, phốp pháp của Hải, là cả một suy tư trầm lắng, không có chỗ cho sự ồn ào huyên náo, không có chỗ cho ganh đua hôi lợi bòn danh. Cái điều tưởng như "vớ vẩn' ấy, mà ít ai trong giới pháp pháp thư thư có được, họa chăng có có cũng chỉ là... có giả vờ mỗi khi tết đến xuân về, ra vỉa hè Văn Miếu ngồi tỏ ra vẻ ấy để lừa con cháu sinh viên học sinh thôi. Chứ trong lòng thì rộn như mở cờ thúc trống khi nghe ai đó phỉnh cho vài tiếng.

Tùy Phong là con của vùng đất sông Âm, miền tây Xứ Thanh. Đồn rằng, vùng đất ấy, thuở rừng lim còn làm dựng tóc gáy kẻ đi đêm, huyền thoại và truyền thuyết nơi vùng đất ấy nhiều đến nỗi nông phu có thể lượm nhặt dưới luống cày! Người có chữ, có văn thì nói, vùng đất ấy văn chương nhiều hơn lúa gạo. Tôi phàm phu tục tử thì nói toạc ra rằng, đó là mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi. Thế mà, kì lạ thay, cứ như tạo hóa thích đùa, cứ hễ nơi đâu nghèo đến xác xơ trơ cành trọc lá, thì những nơi ấy đều phát tích một cái gì đó rất dị kỳ. Người nào chưa từng đến quê Thanh, chưa đặt chân đến những vùng đất như thế, sẽ rất khó hình dung về cái bạc của đất lẫn trời. Nên ai đó thoát ra khỏi được lũy tre làng, khoác được bộ y cánh trí thức trên vai, họ cũng sẽ là kỳ nhân cả. Chí ít là trong mắt tôi như thế. Cứ nhớ cái thuở nào nơi quê hương ấy, chúng tôi chưa đến nỗi phải chết đói, dù ăn ghế ăn độn rau má rau bần vắt sữa xanh xao, nhưng chết hụt vì tệ nạn đến cả chục lần. Nên giờ nhìn thấy ai cũng thấy mừng mừng tủi tủi.

Chả biết có phải Tùy phong bị nhiễm cái linh khí của ngút trùng ái bạc ấy không, nhưng con chữ của em thì đầy những ngoắt nghoéo đẩy đưa. Chữ của em trông kỹ nó cứ giống như nồi cơm của người quê Xứ Thanh trong ngày giáp hạt, độn ghế đủ loại trên đời! Tý của người này, tý của người khác và một tý nữa là của riêng em ấy. Nên khi viết ra, nom xa thì khí phách, ngó gần thì ẻo ợt, vì chữ Quốc ngữ viết bằng bút lông của em nó quá nhiều nét dày mỏng đan nhau, nhưng lại chưa bật ra được cái tính cách cá nhân, vì thế mà nó rơi vào cái nhóm chung chung của đại đa số người cầm bút lông viết chữ Việt. Song, điều làm tôi ấn tượng nhất ở em, chính là cái tinh thần tự học và cầu học. Sự khát học của những đứa-con-Thanh thì tôi rất hiểu, và, tôi trân quý em vì lẽ đó. Chỉ cần anh em nói chuyện một vài lần, tôi đã thấy em khác rất nhiều về và tiến bộ rất nhiều trong những tác phẩm ra đời. Bỗng nhớ cái lý luận về chữ học của cụ Sào Nam trong Khổng Học Đăng, khi bàn về chữ học, cái lớn nhất chính là tự học, nên cái sự nhìn thấy trong việc học của Ttùy Phong, ấy chẳng phải là cái lối trong đạo học đó ru?

Chữ quốc ngữ viết bằng bút lông lâu nay được đa số người gọi là "Thư pháp chữ Việt", chuyện ấy thế nào, nhiều người đã bàn và sẽ vẫn còn phải bàn nhiều nữa, nếu như muốn làm được chút gì đó có-giá-trị thực sự trong việc xây dựng lý luận cho nó. Tuy nhiên, xét ở góc độ người chơi, nó là gì chưa biết, nhưng chắc chắn nó đã và đang là một sức hút khá lớn đối với những người yêu thích và... nghiện nó. Tôi cũng là một trong những người nghiện cái trò dùng bút lông viết chữ Việt. Chỉ tiếc rằng, những người như Tùy Phong, sức trẻ có thừa, công phu dẫu ít hay nhiều nhưng cũng đã một đôi lần ra trước vỉa hè Miếu Khổng để so le, vậy mà, không dấn thân thêm vài ba bước nữa... Có khi, sẽ bước xuống vực sâu, nhưng cũng chẳng biết chừng lại ra biển lớn. Làm thì chưa chắc đã thành công, nhưng không làm thì sẽ chẳng có cái gì là thành công cả.

Chẳng hiểu sao, trong những giấc mơ con chữ vẫn thường ập về trong lần tập bút lông trong tưởng tượng, tôi thấy Tùy Phong đang nói cười trong một triển lãm ở đâu đây... Có lẽ, cái mong muốn và hi vọng cháy bỏng của kẻ làm anh muốn em mình trình hiện trong tôi nó đã ngấm cả vào mơ. Chỉ e... đời ngoài kia nhiều mộng quá mà thôi!






Nguồn : Trịnh Tuấn - trinhtuan.net

Sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam

Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ, sắc phong được xem như một loại văn chính thống của nhà nước phong kiến. Trải qua thời gian và bom đạn chiến tranh, hàng ngàn sắc phong vẫn được các làng quê và dòng họ VN nâng niu gìn giữ như một báu vật. Lý do vì sao?

Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng xã. Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả,… sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến.

Dấu ấn quyền uy

Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, sắc phong gồm có hai loại. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần. Đây được xem là vật gia bảo và thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ. Hiện, những sắc phong này còn khá nhiều ở các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Thái Bình…



Sắc phong thành hoàng làng năm Minh Mạng 21.


Loại thứ hai là sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo. Rất nhiều đình, đền trong cả nước còn giữ được các bản sắc phong loại này.

Về hình thức, trên mỗi sắc phong đó, dấu ấn uy quyền của các vị vua cai trị được thể hiện khá rõ rệt. Chẳng hạn, giấy phong cho bách quan có 3 hạng thì hạng Nhất, xung quanh khung có vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long-Ly-Quy-Phượng); hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị linh (hai con vật trong Tứ linh); hạng Ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước vẽ một con rồng ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh (Năm ngôi sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng, trong đó, Thượng đẳng thần xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ tinh, bốn góc in hình Thất tinh, mặt sau vẽ hình Tứ linh; trung đẳng thần mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần, mặt sau vẽ Lá và Bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau, gọi là song thọ; hạ đẳng thần mặt trước giống như hai hạng trên, mặt sau không vẽ.

Độc bản

Dòng họ nào có người được ban sắc phong, làng xã nào có thành hoàng được ban sắc là một vinh dự vô cùng to lớn, nghi lễ rước sắc phong vì thế cũng được tổ chức đặc biệt trang trọng. Theo sách Đại Phùng tổng khoán ước: “Sắc đưa về đến đình, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn vua). Sau đó, hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong đình”. Chính vì thế, sắc phong nào chỉ cũng có duy nhất một bản.

Trong mỗi bản sắc phong, niên đại tuyệt đối đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi ở cuối văn bản gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng ngày ban sắc, chẳng hạn: Sùng Khang cửu niên thập nhất nguyệt sơ lục nhật (Ngày 6 tháng 11 năm Sùng Khang thứ chín, tức là năm 1574, dưới triều Mạc Mậu Hợp), hay: Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 tức là năm 1924 dưới triều vua Khải Định nhà Nguyễn).

Niên đại tuyệt đối chính xác là căn cứ để có để người đời sau có thể hiểu về phong cách mỹ thuật, thư thể của từng thời kỳ lịch sử.

Hiện, còn 2 đạo sắc phong được cho cổ nhất. Một đặt tại đền Quang Lang, thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thuỵ, (Thái Bính) với niên hiệu Hồng Đức 23 (1492) và Hồng Đức 28 (1497) dưới triều vua Lê Thánh Tông; một đăt ở đính Tử Dương, làng Tử Dương, (tên Nôm là làng Tìa), xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội) với niên hiệu Sùng Khang 9 (1574) dưới triều Mạc Mậu Hợp.




Sắc phong chức tước cho Trần Bá Hữu năm Cảnh Thịnh 9 (1801) ở Bình Định. Ảnh: thuhoavn.com



Được làm từ chất liệu quý

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, sở dĩ các sắc phong tồn tại được đến ngày nay, dù trải qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều tác động của thiên nhiên và con người, là do được viết trên chất liệu giấy sắc hay còn gọi là giấy Nghè (vì được làm tại làng Nghè tên Nôm của làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội). Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt để chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng.

Loại giấy này quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề hư hỏng. Quý vì lẽ thứ hai: làm giấy sắc đòi hỏi rất nhiều công phu.

Theo bí quyết còn truyền lại ở làng Nghè, để xeo một tờ giấy sắc cho hàng Nhất phẩm thì phải có 5 người thợ cùng góp sức một lúc. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ Nhị phẩm xuống tới Cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải cần tới 3 người. Đấy là công đoạn xeo giấy, phần vẽ giấy sắc mới là khâu tinh xảo nhất, công phu nhất, đòi hỏi tay nghề cao. Vẽ gồm hai công đoạn: Vẽ chạy và Vẽ đồ. Vẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn; việc này do những thợ giỏi thực hiện… Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà tô kim nhũ, vàng bạc…

Trong khi tư liệu Hán Nôm ghi trên chất liệu giấy chỉ có niên đại từ thời Nguyễn trở về sau (từ 1802 đến nay), thì nhiều đạo sắc phong lại có niên đại thời Lê sơ, thời Mạc; vì thế, theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, sắc phong là một di sản quý của dân tộc và là nguồn tư liệu quý hiếm cần được bảo vệ và nghiên cứu hơn nữa để phát huy tác dụng.




Nguồn : Vân Nhi - baodatviet.vn
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons